Cuối cùng vẫn là “Ra trường có việc làm”

Công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh trung học đã được các nhà trường thực hiện từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn chưa thật đậm nét.

Cần quyết liệt như phổ cập giáo dục
Công tác phân luồng học sinh sau trung học cần đặt ra mục tiêu cụ thể. đồng thời phải huy động mọi lực lượng, mọi cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương đến T.Ư cùng tham gia giống như công tác phổ cập mầm non thì mới có kết quả tốt. Để làm được điều đó, cần phải có một đề án phân luồng học sinh sau trung học chi tiết, cũng như thành lập một Ban chỉ đạo cho toàn ngành.

Học sinh đang theo học một lớp nghề tại trường TCCN Quang Trung

Học sinh đang theo học một lớp nghề tại trường TCCN Quang Trung

Điều kiện cần để phân luồng hiệu quả chính là hệ thống các trường TCCN, trường nghề trung tâm dạy nghề tuyến quận, huyện mà TPHCM đang có. Báo cáo mới nhất của Sở GD&ĐT TPHCM cho thấy, số trường TCCN của TPHCM hiện nay là 65 trường (29 trường ĐH-CĐ và 36 trường TCCN), 24 trung tâm nghề tuyến quận, huyện. Ngoài ra, TPHCM còn có hệ thống khá lớn các trường dạy nghề từ sơ cấp nghề, TC nghề, CĐ nghề do Sở LĐ-TB&XH quản lý, cũng như các trường ĐH, CĐ, TCCN, các cơ sở dạy nghề thuộc bộ, ngành T.Ư quản lý… Hàng năm, hệ thống trường này đã thu hút một bộ phận khá đông học sinh TP theo học.

Hằng năm, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các cơ sở tổ chức nhiều hoạt động phân luồng cho học sinh sau THCS và THPT. Ngày hội “Thanh niên với nghề nghiệp” được tổ chức trong nhiều năm qua có sự tham gia của các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp… thu hút hàng chục ngàn lượt thanh niên, học sinh THCS và THPT mỗi năm đến để tìm hiểu các thông tin về tuyển sinh TCCN. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp phân luồng, gắn trường học với doanh nghiệp, giúp học sinh sớm tiếp cận với những hướng đi phù hợp cho mình, khi lực học không cao tại một số quận huyện (Q.6, Q.8) đã tác động ít nhiều đến sự chuyển dịch trong nhận thức, định hướng theo học nghề của không ít học sinh. Song song đó, nhiều quận, huyện bước đầu thành lập ban chỉ đạo phân luồng đến tận phường, tổ khu phố… để sớm định hướng và tư vấn cho học sinh THCS, THPT không theo nổi chương trình phổ thông chuyển sang học nghề, đồng thời cơ cấu lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng bổ sung luồng giáo dục nghề sau trung học (tạm gọi là CĐ chuyên nghiệp dành cho học sinh tốt nghiệp THPT có nhu cầu học nghề)… giúp các em thích thú hơn, không cảm thấy bị áp đặt hay áp lực khi phải theo học trường nghề.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông để phổ biến nhiều thông tin về các trường TCCN như chương trình: “Đúng ngành nghề, sáng tương lai”, “Nhất nghệ tinh”, “Giúp bạn đến trường”… Bên cạnh công tác tuyên truyền, thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho học sinh học nghề, các trường nghề, TCCN cũng không ngừng đầu tư, mở rộng quy mô đào tạo, phát triển trường, lớp, ngành nghề, cũng như nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, gắn trường nghề với doanh nghiệp…

ông Phạm Ngọc Thanh – Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Tỉ lệ phân luồng dự kiến từ nay đến năm 2015 ở TPHCM như sau: Sau THCS có 70% học sinh vào học trường phổ thông và 30% (khoảng 20.000 học sinh/năm) vào giáo dục chuyên nghiệp. Sau THPT có 40% vào CĐ, ĐH và 60% (khoảng 33.000 HS/năm) vào giáo dục chuyên nghiệp, tới năm 2015 có 70% người lao động phải qua đào tạo. Chính vì thế, việc trình và mong UBND TPHCM sớm thông qua đề án phân luồng học sinh sau trung học, cũng như cho ngành thành lập Ban chỉ đạo phân luồng học sinh mang ý nghĩa rất lớn.
Ưu đãi và đả thông tư tưởng
Việc đảm bảo được đầu ra (có việc làm) sau khi học xong cho học sinh là “bảo chứng” rất đáng kể để thu hút các em theo học nghề. Nếu chỉ lên lớp để dạy vài tiết hướng nghiệp trong một năm học thì học sinh không thể hiểu được tác dụng của việc chọn nghề. Ai cũng muốn mình tốt nghiệp ĐH, nhưng đi bằng con đường nào để có bằng ĐH lại là vấn đề khác. Đó là vấn đề mà chúng ta cần giúp học sinh nhận ra để có đường đi phù hợp nhất với năng lực và sở thích của mình. Việc hướng nghiệp phải được thực hiện từ bậc THCS, thực hiện một cách thường xuyên.
TS Đinh Phương Duy
(Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TPHCM )
Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, tổng số học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2010-2011 của TPHCM là hơn 61.500 em thì có đến 54.200 em vào lớp 10 trong và ngoài công lập. Số học sinh vào TCCN chỉ khoảng 1.500 em, gần 1.000 theo TC nghề, 232 em theo học các khóa nghề ngắn hạn, cùng 3.700 em vào GDTX. Tương tự, học sinh sau tốt nghiệp THPT gần 37.400 em thì có đến 17.600 em theo học ĐH-CĐ, 4.670 em theo học hệ TCCN và TC nghề, số học sinh theo học nghề ngắn hạn là 1.390 em.

Từ những thống kê trên, có thể thấy số học sinh sau THCS và THPT vào TCCN và các cơ sở dạy nghề của TP HCM vẫn ở mức rất khiêm tốn. Nguyên nhân, theo ông Phạm Ngọc Thanh, nó đến từ tư tưởng chuộng bằng cấp của phụ huynh và học sinh. Vì vậy, muốn phân luồng hiệu quả thì phải “đả thông” tư tưởng và nhận thức này nơi phụ huynh bằng những chính sách đãi ngộ cụ thể và công tác đảm bảo “đầu ra” cho học sinh sau khi theo học nghề. “Đề án phân luồng học sinh sau trung học mà Sở dự kiến trình UBND TP trong thời gian tới là nhằm tháo gỡ những bất cập đang tồn tại: Đó là tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh với các nội dung phải chuyển biến được nhận thức của xã hội; nâng cao năng lực đào tạo các trường chuyên nghiệp TP (như mở rộng quy mô, có cơ chế gắn chặt mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong việc đào tạo lao động); nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường (như tăng cường đầu tư máy móc, trang thiết bị cần thiết để có thể thực hiện các hình thức tư vấn sao cho hiệu quả); quy hoạch lại mạng lưới các trường chuyên nghiệp TP nhằm cân bằng cơ cấu ngành nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội; xây dựng mô hình đào tạo GDCN kiểu mẫu, chất lượng cao của TP; kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo theo đơn đặt hàng theo yêu cầu nhằm tạo việc làm cho học sinh sau khi ra trường; xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đối với người học, giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở đào tạo TCCN một cách phù hợp nhất”.

Theo: Giáo dục Online

VN:F [1.9.22_1171]
Rating: 0.0/5 (0 votes cast)
VN:F [1.9.22_1171]
Rating: 0 (from 0 votes)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

 

Cùng danh mục