Giáo viên tại TP.HCM: Đào tạo nhiều sao vẫn… thiếu?

Chỉ riêng Trường ĐH Sài Gòn TP.HCM, trung bình mỗi năm cho “ra lò” trên 2.000 giáo viên (GV). Ngoài ra, trên địa bàn TP.HCM còn có gần 10 trường ĐH và CĐ có đào tạo sư phạm nhưng năm nào TP.HCM cũng tuyển không đủ GV. Vậy đâu là nguyên nhân?
Xung quanh vấn đề này, ngày 30-7, tại Sở GD-ĐT TP.HCM đã diễn ra Hội nghị hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ đào tạo khối ngành sư phạm trên địa bàn TP. Đây được xem là một giải pháp để nâng cao chất lượng cũng như đảm bảo đủ số lượng GV cho các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn TP…

Lệch pha giữa đào tạo và sử dụng
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, các trường ĐH, CĐ đào tạo khối ngành sư phạm trên địa bàn TP.HCM dư sức đáp ứng nhu cầu GV của các trường phổ thông trên địa bàn TP. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà năm nào TP.HCM cũng “khát” GV.

“Trước đây khi còn là CĐ, mỗi năm trường chỉ đào tạo khoảng 700 giáo sinh thì không thấy thiếu. Còn bây giờ, trung bình mỗi năm đào tạo trên 2.000 giáo sinh mà cứ kêu thiếu. Chúng tôi luôn bị mang tiếng là không quan tâm đến đào tạo sư phạm”, PGS.TS Nguyễn Viết Ngoạn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn bức xúc.

Ông Ngoạn cũng thừa nhận, GV nhạc – họa, trường đào tạo ra rất nhiều nhưng đi dạy thì khá ít, chủ yếu là làm nghề khác. Còn GV kỹ thuật, xin việc không dễ. Ở nội thành, các trường đã đủ GV – ít có nhu cầu tuyển dụng, chỉ có ngoại thành tuyển nhưng nhu cầu cũng không nhiều. “Có những môn không cần mà vẫn đào tạo, ngược lại những môn cần thì lại không đào tạo. Vấn đề bây giờ là cân bằng giữa nhu cầu sử dụng và đào tạo. Phải tìm ra nguyên nhân tại sao các trường sư phạm đào tạo nhiều mà TP vẫn thiếu GV”, ông Ngoạn nói.
Về vấn đề đào tạo một nẻo, sử dụng một nơi, PGS.TS Nguyễn Hay – Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho rằng: “Giữa trường đào tạo sư phạm và Sở GD-ĐT phải “gần nhau” hơn để khi giáo sinh ra trường đều có việc làm. Đào tạo ồ ạt mà ra không có việc làm thì lãng phí quá”.

Giáo sinh vui mừng nhận giấy phân công nhiệm sở.

Giáo sinh vui mừng nhận giấy phân công nhiệm sở.

Đúng là rất lãng phí. Chỉ riêng TP.HCM, trung bình mỗi đợt tuyển dụng, số giáo sinh đăng ký xét tuyển luôn cao hơn nhu cầu hàng ngàn người. Tuy nhiên, đó chỉ là GV dạy tại các trường THPT, trung tâm GDTX, THCS, còn mầm non và tiểu học thì luôn luôn “khát”.
Trao đổi bên lề với phóng viên Báo Giáo Dục TP.HCM, ông Bùi Ngọc Âu – Phó trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “GV mầm non và tiểu học chỉ trông chờ vào 3 trường là ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sài Gòn và CĐ Sư phạm Mẫu giáo TW TP.HCM. Nhưng chỉ tiêu đào tạo của các trường không đáp ứng được nhu cầu của giáo dục TP. Trong đợt tuyển dụng vừa qua, nhiều quận, huyện vẫn còn thiếu GV mầm non, tiểu học. Theo đó, đầu tháng 8, các địa phương này sẽ tuyển đợt 2, trong đó nhận cả diện KT3”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trung bình mỗi năm Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho “ra lò” khoảng 120-150 giáo sinh mầm non và 150 giáo sinh tiểu học; còn Trường CĐ Sư phạm Mẫu giáo TW TP.HCM đào tạo khoảng 400 giáo sinh mầm non (hệ chính quy). Hai trường này không chỉ đào tạo riêng cho TP.HCM mà cho nhiều tỉnh, thành ở khu vực phía Nam nên việc thiếu GV mầm non, tiểu học cũng là điều dễ hiểu…

Kết nối giữa tuyển GV và tuyển sinh

Để giải quyết bài toán thừa cứ thừa, thiếu cứ thiếu GV trên địa bàn TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng: “Lâu nay chúng ta chưa làm tốt việc kết nối giữa công tác tuyển sinh của các trường sư phạm và nhu cầu tuyển dụng GV của Sở GD-ĐT TP. Theo đó, sinh viên nhận được thông tin nghề nghiệp chưa rõ ràng, chưa được tư vấn về nhu cầu GV của TP.HCM. Nhiều em còn chọn ngành theo yêu cầu của phụ huynh, theo trào lưu của bạn bè”.
Đó cũng chính là lý do khiến nhiều giáo sinh ra trường, nhất là các ngành nhạc họa, tiếng Anh, không chọn nghề dạy học mà làm nghề khác. Thậm chí, có nhiều trường hợp đi dạy được một thời gian thì bỏ nghề…
Không chỉ dừng lại ở đó, ông Hồng và nhiều đại biểu còn có tham vọng được nghe Sở GD-ĐT TP cũng như các trường phổ thông, mầm non phản ánh về chất lượng đầu ra của các trường sư phạm. Ông Hồng nói: “Đi dự một số hội thảo về giáo dục, chúng tôi rất buồn khi nghe hiệu trưởng trường phổ thông phàn nàn về kết quả đào tạo GV của các trường sư phạm. Thậm chí, các trường phổ thông còn phải đào tạo lại giáo sinh về kỹ năng sư phạm, công tác chủ nhiệm, kỹ năng sống. Đây là lỗi của chúng tôi, chúng tôi muốn biết kết quả kiểm định của người sử dụng lao động để điều chỉnh chương trình học cho phù hợp”.
Ông Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM khẳng định: “Các trường đào tạo sư phạm cần phải có một cuộc cách mạng về đổi mới chương trình, phương pháp dạy. Hàng năm phải có 1-2 cuộc hội thảo để các trường trao đổi, học hỏi lẫn nhau nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho TP nói chung và cả nước nói riêng”.

Ông Hà Hữu Phúc – Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM nêu ý kiến: “Cần phải đánh giá lại sự bất cập giữa đào tạo và sử dụng. Đào tạo ra rất nhiều, riêng ĐH Sài Gòn là trên 2.000 giáo sinh/năm mà ngành GD-ĐT TP vẫn thiếu GV. Phải tìm hiểu xem “tắc” ở đâu…”.
Thống nhất với những quan điểm này, Sở GD-ĐT TP.HCM đã ký thỏa thuận hợp tác với 9 trường (6 trường ĐH và 3 trường CĐ) đào tạo khối ngành sư phạm. Theo đó những trường này sẽ đào tạo, cung ứng GV mầm non, tiểu học, phổ thông và các môn năng khiếu cho Sở GD-ĐT TP; tổ chức bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý giáo dục theo nhu cầu của Sở GD-ĐT TP. Còn Sở GD-ĐT TP sẽ cung cấp thông tin, nhu cầu tuyển GV cho các trường sư phạm, giới thiệu trường phổ thông để các trường sư phạm đưa giáo sinh đến thực tập…

Theo: Giáo dục Online

VN:F [1.9.22_1171]
Rating: 5.0/5 (1 vote cast)
VN:F [1.9.22_1171]
Rating: -1 (from 1 vote)
Giáo viên tại TP.HCM: Đào tạo nhiều sao vẫn... thiếu?, 5.0 out of 5 based on 1 rating

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

 

Cùng danh mục