Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung cho biết: Trong khoảng 2.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đức, có 1/3 đi theo chương trình học bổng từ ngân sách Nhà nước Việt Nam, các tổ chức văn hóa giáo dục. Số còn lại là du học tự túc. Nước Đức hiện có hơn 180.000 sinh viên quốc tế đến đây theo học.
Theo bà Christa Klaus, trưởng Văn phòng đại diện cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) tại Hà Nội, sinh viên theo học tại Đức hầu hết không phải đóng học phí. Chỉ có một số chương trình đặc biệt và học cao học phải đóng học phí với mức khoảng 500-1.000 euro/học kỳ.
Đức hiện có khoảng 120 trường ĐH Tổng hợp, 190 trường ĐH Khoa học ứng dụng và 50 trường ĐH Nghệ thuật, nhạc viện. Các trường ĐH Đức có hơn 14.000 chương trình hợp tác với các cơ sở đào tạo hàn lâm quốc tế, trong đó có 31 chương trình hợp tác với các trường ĐH ở Việt Nam. Bằng tốt nghiệp ĐH của Đức (Diplom) không tương đương với bằng tốt nghiệp ĐH của Việt Nam. Để hòa nhập với khuynh hướng mới trên toàn cầu, các trường ĐH Đức đã xây dựng chương trình cho những khóa học quốc tế với các trình độ khác nhau và văn bằng của các khóa học này là Bachelor (BA), Master (MA).
Để được nhận vào các trường ĐH Đức, thí sinh phải thi kiểm tra trình độ tiếng Đức. Ngoài ra, các chương trình bằng cấp quốc tế còn được giảng dạy bằng tiếng Anh hay song ngữ Anh/Đức.
Triển lãm Giáo dục Đức diễn ra tại Hà Nội vào các ngày 7 và 8/4, tại TP.HCM vào các ngày 10-11/4.
(Theo VietnamNet)
|