GIAO TIẾP VỚI THẦY CÔ

 Gặp thầy, cô giáo nghiêm khắc, máy móc thì làm thế nào?

 

Nghiêm khắc chưa chắc đã là việc xấu. Có một câu tục ngữ nói rằng: Có thầy giáo nghiêm khắc sẽ có học trò giỏi. Nghiêm khắc là yêu cầu nghiêm túc, thậm chí rất nghiêm túc. Yêu cầu làm, bạn nhất định phải làm bằng được. Yêu cầu hoàn thành, bạn nhất định phải hoàn thành cho xong, không được qua loa, sơ sài. Để đạt được mục đích, có khi còn phải kèm theo hình phạt. Những học sinh được các thầy cô, giáo nghiêm khắc dậy dỗ, nói chung có kiến thức cơ bản vững chắc, tư duy sâu sắc, làm việc cẩn thận, tỷ mỷ. Cách nghiêm khắc như vậy rất có lợi cho học sinh trung học đang trong quá trình trưởng thành.            Tuy nhiên quá máy móc thì không nên. Nếu như nói “nghiêm” là tiêu chuẩn thì máy móc lại là vấn đề phương pháp. Cách để đạt được tiêu chuẩn cao không chỉ có một con đường. Áp dụng nhiều phương thức linh hoạt thường có thể làm cho mục tiêu được thực hiện nhanh nhất. Máy móc cũng có thể nói là vấn đề thái độ. Dậy dỗ với một thái độ khó đăm đăm, thường gây ra một sự tương phản rất lớn với thiên tính thoải mái, hoạt bát của các bạn trẻ, đương nhiên sẽ không được các em hoan nghênh. Có khi vì quá máy móc, cho dù không nghiêm khắc cũng khó làm cho người khác tiếp thu. Những thầy, cô giáo nghiêm khắc mà không máy móc, ôn hoà nhưng yêu cầu rất nghiêm túc đương nhiên là những thầy, cô giáo hoàn hảo nhất. Nhưng tính cách của con người rất khác nhau, cùng một con người nhưng ở các thời kỳ khác nhau cũng khó có thể hoàn toàn hài hoà thống nhất, điều này đòi hỏi các em học sinh phải hiểu các thầy, cô giáo.

            Trước tiên đa số các thầy, cô giáo quá máy móc là xuất phát từ động cơ tốt, họ có mong muốn mạnh mẽ rằng học sinh học tập tốt, lớn lên lành mạnh, có lúc vì nóng lòng, suốt ruột, cho rằng như thế có thể buộc học sinh cố gắng hơn. Vô tình, họ không để ý đến tính cách ngây thơ, hoạt bát, tư duy linh hoạt, luôn biến đổi của học sinh, cũng không để ý đến không khí chan hoà, thoải mái giữa thầy trò. Nếu như chúng ta lấy cái sai để đối phó với cái sai, dùng cách “kính nhi viễn chi”, không chú ý nghe bài của thầy, buông lỏng việc học tập môn của thầy, cô ấy, thì người chịu thiệt thòi lại chính là bản thân các em học sinh.

            Nếu như chúng ta hiểu được sự tận tuỵ của thầy, cô giáo, lòng chúng ta sẽ nhẹ nhàng hơn. Chúng ta sẽ chuyên cần tiếp thu kiến thức mà bỏ qua thái độ và phương pháp không đúng của thầy, cô giáo. Trong dịp nào đó thuận tiện, sẽ nói với thầy, cô giáo những cảm nhận của mình, hoặc ca ngợi ưu điểm của một thầy, cô giáo nào đó có phong cách ngược lại, có lẽ sẽ có thể làm cho thầy, cô giáo quá máy móc hiểu ra.

            Con người phải trải qua một quá trình tu dưỡng mới nhận rõ được khuyết điểm và thiếu sót của mình. Các thầy, cô giáo cũng như vậy. Với thời gian kinh nghiệm giảng dậy phong phú dần lên, ngày càng từng trải hơn, các thầy, cô giáo sẽ tìm ra phương pháp tốt hơn. Là những học sinh, nếu chúng ta kiên trì chờ đợi, kính trọng, chủ động giao lưu tình cảm với các thầy, cô giáo tin tưởng rằng trước mặt là những học trò tin yêu và tôn kính thầy cô, những người quá máy móc sẽ thay đổi thái độ và phương pháp không phù hợp.

            Xây dựng không khí cởi mở và chan hoà cần có sự nỗ lực của cả thầy lẫn trò.

 

            Thầy, cô trách mắng sai học sinh thì làm thế nào?

 

            Trong quan hệ giữa thầy trò cũng thường gặp hiện tượng “đối đầu”, tức quan hệ giữa thầy trò rất căng thẳng. Thầy, cô giáo yêu cầu học sinh làm một việc nào đó, học sinh nhất định không làm; Thầy, cô giáo phê bình, học sinh không tiếp thu và dễ có những lời nói trái ý với thầy, cô giáo, đó là những biểu hiện cụ thể của hiện tượng “đối đầu”, từ đó làm cho quan hệ thầy trò xấu đi, hai bên đều có ý kiến hoặc thành kiến phiến diện, ảnh hưởng không tốt đến không khí dạy và học. Loại hiện tượng này ở tiểu học hầu như không có, ở bậc đại học cũng rất ít gặp, vì sao trong giai đoạn trung học lại khá phổ biến? Điều này có quan hệ rất nhiều với những đặc điểm tâm lý và thay đổi nhận thức của các em ở lứa tuổi mới lớn.

            Các nhà tâm lý học cho rằng, học sinh trung học đang ở trong quá trình chuyển hoá từ thời kỳ thơ ấu sang thời kỳ trưởng thành, sinh lý và tâm lý của các em có những thay đổi mạnh mẽ. Ý thức về bản thân của học sinh trung học có một bước phát triển, ý thức về bản thân là nhận thức về mình và về quan hệ xã hội xung quanh. Do ý thức về bản thân được tăng cường, dần đi đến độc lập, đó là một mặt tốt. Nhưng do ý thức về bản thân của học sinh trung học phát triển chưa chín muồi, thường mang theo mầu sắc chủ quan và mù quáng. Ví dụ, có em khi các bạn đánh giá không chính xác, nhìn thấy nhiều ưu điểm của mình mà không nhìn thấy khuyết điểm, quá tự tin, do đó không chịu nghe những lời phê bình của thầy, cô giáo, cố chấp, bảo thủ ý kiến của mình, rồi sinh ra hiện tượng “đối đầu”.

            Thế giới nội tâm của học sinh trung học ngày càng phức tạp hơn, bắt đầu ít bộc lộ những diễn biến nội tâm, đó là tính khép kín. Quan sát kỹ sẽ phát hiện thấy rằng, học sinh trung học khoảng lớp 6, lớp 7, có ngăn kéo để đồ riêng thường khoá lại, dường như trong đó có cất giấu thứ gì đó bí mật; không ít học sinh trung học tỏ ý không bằng lòng hoặc từ chối khi cha mẹ yêu cầu xem ghi chép riêng của các em; những thay đổi tình cảm nói chung không dễ lộ ra, cho dù có những xáo động cũng thường cố gắng giấu kín. Tính khép kín phát triển chứng tỏ mức độ thay đổi về chiều sâu của hoạt động trí lực ở học sinh trung học đã nâng cao, khả năng trí lực cũng tăng cường lên khá nhiều. Nhưng tính khép kín cũng thường làm cho học sinh trung học không muốn nói những chuyện tâm lý với thầy, cô giáo, gây trở ngại cho việc giao lưu giữa thầy và trò. Nếu lời nói và cử chỉ của thầy, cô giáo có gì không cẩn thận hoặc đụng chạm đến bí mật tâm lý của học sinh (như việc giao lưu giữa học sinh nam nữ) đều sẽ gây ra những phản ứng tình cảm của học sinh và sinh ra hiện tượng “đối đầu”.

            Hiện tượng dao động bất định của các bạn trẻ ở tuổi mới lớn là một đặc điểm rõ rệt. Ví dụ, biên độ thăng trầm của tâm lý, tình cảm dễ bị xáo động, dễ nổi nóng, dễ hành động cực đoan mà không phân biệt hoàn cảnh, điều kiện, không cần biết đối tượng là ai. Các bạn trẻ mong muốn được người khác tôn trọng, mong muốn được người khác coi mình là người lớn, là một thành viên của xã hội, nhưng trên thực tế, tư duy còn chưa chín muồi, nhìn vấn đề còn chưa toàn diện, chưa có ý kiến độc lập; Lòng tự trọng của các bạn trẻ cao, muốn vươn lên và hiếu thắng, nhưng thường nhìn vấn đề theo một chiều, dễ lung lay, dễ quá tả. Hiện tượng “đối đầu” giữa thầy trò ở giai đoạn trung học, không thể không nói rằng có quan hệ trực tiếp với những nhân tố của tuổi mới lớn.

            Đương nhiên, quả thật cũng có một số rất ít thầy, cô giáo không được học sinh hoan nghênh. Ví dụ, phương pháp giảng dậy khô khan, vô vị, không có tình cảm với học sinh, không nhìn thấy sự phát triển của tâm lý học sinh, giải quyết vấn đề thiếu công bằng, có sự thiên vị rõ ràng với một số học sinh, thường xuyên trách móc những học sinh mà mình không ưa thích… Điều này cũng chứng tỏ chất lượng của đội ngũ giáo viên trung học cần được nâng cao hơn, cần nhằm đúng những đặc điểm tâm lý sinh lý của học sinh trung học, cần cải tiến phương pháp giảng dậy, nâng cao chất lượng giáo dục; Mặt khác cũng đòi hỏi giáo viên hiểu thấu những đặc điểm sinh lý, tâm lý của học sinh trung học, thúc đẩy chúng phát triển theo hướng lành mạnh, khi phát hiện thấy những mầm mống không lành mạnh, phải giúp các em điều chỉnh tâm lý, đề phòng xẩy ra những việc ngoài ý muốn. Chỉ có như vậy mới có thể cải thiện quan hệ thầy trò, nhằm giảm bớt hiện tượng “đối đầu” ở giai đoạn trung học.

Hiện nay vấn đề giáo dục về tuổi mới lớn còn chưa phổ biến trong giáo viên và học sinh. Thầy, cô giáo quan tâm nhiều đến bài vở của học sinh, nhưng ít quan tâm đến sự phát triển nhân cách và tâm lý của các em. Thầy, cô giáo còn thiếu hiểu biết về ý nghĩa hàm chứa trong 3 chữ “tuổi mới lớn”. Vì vậy, việc bổ túc một “bài” về giáo dục cho tuổi mới lớn, nhằm tăng thêm chỗ dựa và tạo tiếng nói chung cho học sinh và giáo viên là cách cơ bản để loại bỏ hiện tượng “đối đầu”.

 

Học sinh “báo cáo riêng” với thầy, cô giáo, có đúng không?

 

“Báo cáo riêng” là kín đáo phản ánh những vấn đề và tình hình của các bạn học với thầy, cô giáo. “Báo cáo riêng” thì không nên làm, nhưng vấn đề mấu chốt là ở chỗ, nội dung của “báo cáo riêng” và động cơ của người báo cáo là gì?

Nếu những va chạm, ý kiến, khuyết điểm, sai sót của các bạn thuộc loại những tình tiết nhỏ trong sinh hoạt, không liên quan đến việc lớn, không phải là vấn đề nguyên tắc, thì không cần phải báo cáo với thầy, cô giáo, thậm chí không cần phải nói với một người nào khác. Ví dụ, hai bạn học vì một vấn đề nào đó tranh luận đỏ mặt tía tai, nhưng sau khi tranh cãi xong lại thân mật như trước đây, không ảnh hưởng gì đến quan hệ hai người cũng không gây ra hậu quả gì xấu, việc như vậy đương nhiên không cần phải báo cáo. Nếu như bất kể xẩy ra chuyện gì, thậm chí là việc rất nhỏ nhặt, cũng đến báo cáo với thầy, cô giáo, sẽ rất dễ gây ra ác cảm của người bị báo cáo, thậm chí có thể ảnh hưởng quan hệ của bạn với các bạn khác. Vả lại rất nhiều những báo cáo về những việc lặt vặt như vậy chẳng phải sẽ làm cho thầy, cô giáo mỏi mệt ư? Nhưng nếu là việc lớn hoặc vấn đề nguyên tắc, thì không thể bỏ qua coi như việc bình thường. Ví dụ, kỷ luật trong lớp lỏng lẻo, tinh thần rệu rã, khí thế học tập giảm sút, có bạn quay cóp gian lận khi thi cử, những vụ cãi cọ đánh lộn nghiêm trọng, đều phải coi trọng.

 Giải quyết những vấn đề giữa các bạn học, có ba cách. Một là tâm sự riêng với đương sự, chủ yếu là nói cho bạn ấy hiểu tính chất nguy hại của sự việc, nói rõ cách nhìn và thái độ của bản thân mình, giúp bạn ấy nhận rõ sai lầm. Nếu như bạn ấy không thể tiếp thu ngay, có thể đợi một thời gian, không cần thiết phải báo cáo ngay với thầy, cô giáo. Hai là trường hợp nói chuyện riêng khó làm cho bạn ấy hiểu, có thể đem chuyện đó nói với  bạn khác, đặc biệt là nói với bạn thân của đương sự hoặc cán bộ lớp, để bạn ấy nói chuyện với đương sự, nếu làm tốt thì đương nhiên sự việc cũng sẽ được giải quyết. Ba là trường hợp không ai có thể nói cho đương sự hiểu được, và tình hình ngày càng nghiêm trọng, thì phải kịp thời báo cáo với thầy cô giáo, để có sự giúp đỡ sớm nhất của thầy, cô giáo. Do thầy, cô giáo có kinh nghiệm khá phong phú, lại có quyền lực nhất định trong học sinh, sự tham gia của thầy, cô giáo thường làm cho vấn đề được giải quyết nhanh hơn và tốt hơn. Vì vậy chúng ta nói rằng việc gì cần báo cáo với thầy, cô giáo thì vẫn phải báo cáo. Không có sự phân biệt rõ ràng, coi những việc cần báo cáo cũng là “báo cáo riêng” là không đúng.

Cũng cần phải xem động cơ báo cáo với thầy, cô giáo là gì? Nếu như có bạn rắp tâm báo thù, muốn làm cho đối phương lúng túng và mất mặt, việc này rõ ràng là không tốt, cần phải phê bình. Nếu vì muốn cho các mâu thuẫn giữa bạn bè được giải quyết đúng đắn, thoát ra hoàn cảnh khó xử mà báo cáo với thầy, cô giáo để được giúp đỡ, làm như vậy bất kể là động cơ và hiệu quả đều tốt, phải hiểu thiện chí của người báo cáo.

Hiện nay trong học sinh trung học thường có hiện tượng trốn học, bỏ học hoặc bỏ nhà đi hoang. Có bạn đã phát hiện ra manh mối, nhưng lại sợ người khác cho là mình “báo cáo riêng” với thầy, cô giáo, nên đã không kịp thời báo cáo với thầy, cô giáo hoặc phụ huynh, nên đã để lỡ cơ hội cứu vãn tình thế, gây phiền hà hoặc hậu quả không thể sửa chữa được cho đương sự, phụ huynh, nhà trường và xã hội. Vì vậy, đối với những cái gọi là “báo cáo riêng” của các bạn phải có sự phân tích cụ thể, không thể đồng loạt dùng thái độ phủ định, chỉ trích.

 

Tình yêu giữa thầy, cô giáo và học sinh có phải là việc bình thường không? Nên giải quyết thế nào?

Các bạn trẻ học tập trong nhà trường, ngoài việc sớm tối gần gũi với các bạn học ra, thì việc tiếp xúc với thầy cô giáo là nhiều nhất. Trí thức uyên bác, tác phong nho nhã, lời ăn tiếng nói sâu sắc, hóm hỉnh, sự chăm sóc dậy bảo ân cần, nhẫn nại của các thầy, cô giáo thường làm cho các em rất cảm động và mến mộ. So với người cùng tuổi, các thầy,  cô giáo chín chắn, vững vàng hơn; so với cha mẹ, các thầy cô giáo nghiêm khắc nhưng lại rất tôn trọng các em. Hình ảnh của các thầy, cô giáo có một vị trí đặc biệt trong lòng học sinh và các em học sinh cũng có một tình cảm đặc biệt với các thầy cô giáo. Học sinh nam thường xấu hổ không dám bầy tỏ nên chỉ thầm yêu trộm nhớ cô giáo trẻ hoạt bát, kiến thức sâu rộng mà mình đã sùng bái và mến mộ, với tình yêu đơn phương. Tuổi đời ngày càng lớn lên, tình cảm chín chắn dần, hoặc do thầy trò phải chia tay, xa cách, tình cảm thầm kín của các em tuyệt đại đa số rồi cũng mờ nhạt đi. Nhiều năm trôi qua, khi họ đã thành gia, lập nghiệp, trở về trường xưa thăm thầy, cô giáo, có lẽ họ sẽ bất chợt thốt ra một câu: “Thưa cô giáo, chắc là cô không biết lúc bấy giờ em đã “yêu” cô như thế nào!” và tất cả cùng cười vui thoải mái. Tuy nhiên học sinh nữ thì khác, các em thường lao vào, và rất si mê mối tình này. Một thầy giáo nào đó có thể trở thành “người trong mộng” của nhiều thiếu nữ. Các cô gái ấy sẽ tìm đủ mọi cách để tiếp cận với thầy giáo, bất kể thầy giáo đã có vợ hay chưa. Nếu như thầy giáo cũng thiếu lý trí và sức kiềm chế hoặc nảy sinh tà tâm, sẽ có chuyện “tình yêu giữa thầy và trò”. Nếu thầy giáo đã kết hôn, có gia đình riêng, cô gái ấy sẽ tự giác hoặc không tự giác thành “người thứ ba”.

Cũng giống như tình yêu của những người chênh lệch tuổi tác quá nhiều, tình yêu giữa thầy và trò tuyệt đại đa số là không có kết quả tốt đẹp. Nguyên nhân là vì:

  1. Tư tưởng và tình cảm của các cô gái lúc bấy giờ đang ở trong giai đoạn ấu trĩ, chưa chín muồi, thiếu sự hiểu biết và phán đoán về các mặt như hoàn cảnh, nhân cách của thầy giáo, đa số chỉ là sự rung động nhất thời, mù quáng. Có thể tình yêu đến rất mãnh liệt, nhưng vì thiếu cơ sở thực tế nên rất khó bền lâu.
  2. Tuổi học sinh trung học đã yêu đương dễ phân tán tinh lực, ảnh hưởng xấu đến học tập. Một cô gái rất có triển vọng phát triển, có thể do yêu thầy giáo mà lại bị những người xung quanh phê phán, không chấp nhận, tình cảm sẽ luôn gặp trắc trở, lơ là học tập, làm cho việc học sa sút, thậm chí phải bỏ học.
  3. Nếu như thầy giáo đã có gia đình, người đóng vai “người thứ ba” không vinh quang này, sẽ càng bị gia đình và nhà trường phản đối, dư luận xã hội khiển trách. Những áp lực ấy sẽ làm cho cô gái khó lòng có thể học tập tốt và khó trụ giữ được trong cuộc sống bình thường.
  4. Trong số các thầy giáo, cá biệt có người tâm địa xấu xa, hành vi bất chính, lợi dụng sự ngây thơ, ấu trĩ của các cô gái trẻ, mượn cớ quan tâm việc học, phụ đạo bài vở để chơi bời, chiếm đoạt, đó không phải là “yêu” mà là lừa gạt.

Qua đó có thể thấy rằng, “tình yêu giữa thầy, cô giáo và học sinh” xấu nhiều tốt ít. Vì tình cảm giữa thầy và trò là chân thành, trong sáng, cho nên nó rất đẹp đẽ và rất cảm động. Có rất nhiều những câu chuyện cảm động về tình thầy trò đã lưu truyền trong xã hội. Nếu như trong sâu thẳm của lòng bạn cũng có những tình cảm yêu kính, mến mộ với các thầy, cô giáo, xin bạn hãy quý trọng và giữ gìn, đừng làm vẩn đục tình cảm cao quý ấy bằng những ý nghĩ lầm lạc và hành vi sai trái. Một khi tình cảm thầy trò trở thành tình yêu giữa thầy trò hoặc có những hành vi vượt quá giới hạn thì đã làm mất đi những gì tốt đẹp và trong sáng của tình cảm cao quý này.

 

 

 

 

 

Các tin khác
   CẮM TRẠI  (20/05/03)
   TẠI SAO CHÚNG TA CẦN THỂ THAO  (20/05/03)
1

  Hoạt động
CẮM TRẠI
TẠI SAO CHÚNG TA CẦN THỂ THAO

  Tâm sinh lý
GIỚI TÍNH - NỮ
GIỚI TÍNH – NAM
SỨC KHOẺ - TÂM LÝ GIỚI TÍNH TUỔI DẬY THÌ

  Ứng xử
GIAO TIẾP VỚI THẦY CÔ
GIAO TIẾP VỚI BỐ MẸ
GIAO TIẾP VỚI BẠN KHÁC GIỚI
ỨNG XỬ NƠI CÔNG CỘNG

Sản phẩm được hợp tác giữa VASC & Công ty TNHH Trường thi, liên hệ: e-School Webmaster.
99 Trieu Viet Vuong - 32 Ba Trieu, Hanoi, Vietnam. Tel: 84-4-9782235, Fax: 84-4-9780636