Cắm trại là một nhu cầu cần thiết trong sinh hoạt và giáo dục thanh thiếu niên. Giúp các em thoả mãn óc phiêu lưu, khám phá, huấn luyện tinh thần kỷ luật, trật tự, tăng cường sức khoẻ, sự chịu đựng…Trong chương trình sinh hoạt trại, các em có dịp học hỏi và thực hành các kỹ năng trong đời sống thường ngày, trổ tài tháo vát, phát huy sáng kiến để tạo tiện nghi tối đa cho đời sống trại. Khi cùng làm việc với nhau, các em sẽ gây dựng một tình đồng đội, thân ái, vui tươi, đoàn kết…
CÁCH TỔ CHỨC MỘT CUỘC TRẠI
Để chuẩn bị, chúng ta lần lượt tiến hành những điểm sau:
Phải chọn nơi rộng rãi đủ chỗ để dựng lều. Phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, thoáng mát. Đất trại ở gần biển, sông, suối, ao, hồ, rừng, núi…tha hồ cho các em tổ chức trò chơi. Nên dự phòng một nơi trú ẩn khi thời tiết trở nên xấu (giông, bão, lũ, lụt…)
- Tiếp xúc, thông báo, xin phép
- Với chủ đất hay chính quyền địa phương để xin phép sử dụng địa điểm cắm trại.
- Gửi giấy thông báo và xin phép đến từng phụ huynh của trại sinh.
- Thông báo cho trại sinh biết ngày, giờ, địa điểm tập kết…thời gian đi trại, chủ đề hay mục đích của trại, lệ phí trại. Lên danh mục những vật cần mang theo cho đúng với nhu cầu của trại.
Ta phải xem lại các lều vải, chỗ nào hư mục thì phải thay bỏ hay vá. Kiểm xem số liệu có phù hợp với số trại sinh không? Nếu thiếu thì may hoặc mượn thêm. Kiểm tra dây, cọc, cột, dùi cui có đủ không?
Phân công cho trại sinh mỗi người mang một ít, người nào mang món nào phải có trách nhiệm giữ gìn bảo quản cho đến hết kỳ trại. Những dụng cụ chung cho cả tổ, đội gồm:
+ Lều vải, dây, cọc, dùi cui
+ Thùng hay xô chứa nước
+ Tô dĩa lớn
+ Vá, muỗng lớn, đũa lớn
+ Dao, rìu, rựa
+ Cuốc nhỏ hay xẻng (loại xếp được càng tốt)
+ Túi cứu thương
+ Địa bàn
+ Đèn bão
+ Thực phẩm và gia vị
+ Nồi, soong, chảo, ấm nấu nước
Dụng cụ cá nhân
Chưa quen đi trại, nhiều em hay mang theo những thứ luộm thuộm vô ích. Hành trang của trại sinh phải gọn nhẹ và đa dụng.
Đây là những vật dụng gợi ý:
+ Y phục: Tuỳ theo mùa, đồ ngủ, đồng phục, đồ tắm, đồ lót, áo mưa, giày dép…
+ Đồ vệ sinh cá nhân: Kem, bàn chải răng, xà phòng, gương, lược, khăn, giấy vệ sinh…
+ Vật dụng ăn uống: Chén, đũa, muỗng, ly, dao đa năng, bình đựng nước…
+ Vật dụng học tập: Bút, sổ tay, còi, dây…
+ Vật dụng sinh hoạt: Đèn pin, đèn cây, quẹt gas, nhang muỗi hay thuốc chống muỗi…
+ Mùng mền, võng cá nhân
Tất cả sắp xếp thứ tự gọn gàng vào ba lô, những vật ít sử dụng để dưới, vật dùng nhiều để ở trên.
Trại không phải là nơi vui chơi, nghỉ mát một cách tuỳ tiện, vui đâu làm đó. Phải hoạt động nhiều để trại sinh không có những phút trống rỗng, bất động. Muốn được như vây, Phụ trách phải có một chương trình thật hoàn chỉnh, khít khao với giờ giấc, đúng với chủ đề hay mục đích cắm trại. Có chương trình rồi cũng phải biết san lấp những lỗ hổng (nếu có) trong ngày. Đi đúng chương trình có nghĩa là không kéo dài tiết mục nào ra, dù tiết mục đó đang hấp dẫn.
Tổ chức một buổi lửa trại
Để tổ chức một buổi lửa trại cho có kết quả, chúng ta phải biết chuẩn bị những công đoạn sau:
Chuẩn bị khung:
Thông báo cho các Tiểu trại hay các Đội trưởng trước về chủ đề của buổi lửa trại và số lượng tiết mục mà họ có thể tham gia.
Trại sinh nếu chưa rành các nghi thức thì phải tập luyện hay ôn lại cho thống nhất và đồng bộ. Ôn lại những băng reo, bài hát, ca múa cộng đồng...
Các dụng cụ hoá trang thường được tận dụng những thứ có sẵn như chăn màn, khăn quàng... chứ đừng đặt nặng vấn đề đạo cụ, may sắm như một đoàn hát.
Các tiết mục trình diễn, được chuẩn bị trong thời gian ở trại. Nếu lửa trại có đề tài đã được thông báo trước, thì tiết mục nên xoay quanh chủ đề đã chọn.
Chuẩn bị địa điểm:
Chọn một khu đất khô ráo, rộng rãi thoáng đãng, không có tàn cây de ra trên đống lửa, không có những hố trũng, gốc cây, rễ cây...Dọn sạch sẽ đất đá và gom sạch lá khô chung quanh.
Chuẩn bị chỗ ngồi cho quan khách (nếu có) và các Phụ trách được thoải mái tự do, trên gió, gần nơi trình diễn ...
Nếu là nơi xi măng hay gạch, chúng ta lót thiếc, vỏ cây, lá cây... ở dưới trước, sau đó đổ cát lên, để sân không bị quá nóng dẫn đến nứt nổ.
Chọn đề tài
Để cho buổi lửa trại có ý nghĩa, chúng ta nên cô đọng chương trình trong một chủ đề nào đó.
Thí dụ: Nếu là buổi lửa trại kỷ niệm ngày thành lập đơn vị, chúng ta nên xoay quanh nguyên lý phong trào, truyền thống đơn vị...Nhưng vẫn không làm mất đi sự vui tươi, trẻ trung, dí dỏm...
Hoặc đang cắm trại tại một địa danh lịch sử, một đền thờ anh hùng dân tộc, một di tích tôn giáo...thì chủ đề cũng nên đặt trọng tâm vào đó, tìm hiểu và nêu gương để giáo dục trại sinh.
Sắp xếp củi
Có nhiều hình thức sắp xếp củi cho một buổi lửa trại như: hình nón, hình kim tự tháp, hình lục lăng, hình tam giác...Cho dù sắp kiểu nào, thì chúng ta cũng phải cho những vật dễ bắt lửa ở dưới trước, rồi sắp cành cây hay củi nhỏ lên, sau hết mới chất củi lớn (nhớ chừa nơi châm lửa).
|