Sinh ra trong một gia đình toán học, cha Việt là tiến sĩ toán học nhưng chưa bao giờ ép em phải say mê môn toán. Ngay từ những năm học tiểu học, Việt đã học giỏi đều các môn, trong đó nhất là môn toán. Nhưng phải đến năm học lớp 4, em mới cảm thấy mình thực sự yêu thích và say mê môn học này. Lần đầu tiên tham dự kỳ thi giỏi toán toàn thành phố, em đã giành ngay giải nhất và sau đó còn đoạt được nhiều giải cao trong các kỳ thi giỏi toán cấp thành phố, cấp quốc gia. Tiến sĩ Phạm Kỳ Anh nói về đứa con của mình: Trong gia đình, tôi và mẹ cháu luôn tôn trọng các cháu chứ không bắt ép các cháu học theo ý mình. Vì muốn học thật xuất sắc thì phải say mê và tự nguyện. Khó có thể tạo ra niềm say mê bằng sự ép buộc. Việt tâm sự: Năm 2001, ba tháng hè em tranh thủ học và giải được hơn 1.000 bài toán khó. Việt không chịu hiểu vấn đề gì một cách lơ mơ. Bình thường em không học quá căng thẳng mà vẫn dành nhiều thời gian cho âm nhạc, báo chí và tiểu thuyết, xem truyền hình. Nhưng hôm nào chưa làm xong bài thì Việt không chịu đi ngủ. Ðể có thể học tốt môn toán, cũng như tất cả các môn khác, Việt lập kế hoạch học tập cho từng giai đoạn và cố gắng thực hiện kỳ được. Em còn tìm mọi cách nâng cao chất lượng giờ tự học để có thể tiếp thu một khối lượng kiến thức gấp nhiều lần. Tôi hỏi Việt: Học giỏi văn có liên quan gì đến thành tích của Việt trong các kỳ thi Toán? Có đấy! Học văn-Việt trả lời-giúp diễn tả được dễ dàng và sáng tỏ mọi ý nghĩ của mình. Khi giải toán, điều này cần lắm. Trước một bài toán khó, có những lúc, bằng trực giác, ta nhận ra ngay cách giải. Nhưng nếu ngôn ngữ nghèo nàn thì thể hiện không dễ.... Không chỉ nắm chắc phần lý thuyết và đọc sách báo tham khảo, Việt còn bỏ nhiều công sức tìm và giải các bài toán khó. Khi giải, Việt cố tự mình tìm ra mối liên quan giữa các bài tập, hệ thống hóa chúng, phát hiện cái chung, cái bao quát mà bản thân từng bài tập không nói lên. Qua những bài tập đã giải, em còn sáng tạo ra các đề toán mới. Có lẽ, đó chính là bí quyết để Phạm Hồng Việt mang vinh quang về cho Tổ quốc.
|