* Giám đốc ... trốn tiết
Trở thành giám đốc (mà giám đốc xịn hẳn hoi) khi mới tròn 20 tuổi, có thể nói Nguyễn Hoà Bình (hiện là SV nǎm thứ 4 khoa Công nghệ - ĐHQGHN) là một trong những giám đốc trẻ nhất VN. Ngoài việc được biết đến là một SV khét tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Bình còn nổi tiếng với vai trò một ông giám đốc điều hành ngon lành công ty Peacesoft - một công ty chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tin học kĩ thuật cao liên quan đến phần mềm và Internet ở các lĩnh vực: tài chính - ngân hàng, GD - y tế, đồ hoạ - multimedia, bảo mật mạng, các dịch vụ giá trị gia tǎng trên Internet, thương mại điện tử...Trong khi bạn bè cùng lứa đa phần chỉ biết ngày ngày cắp cặp lên giảng đường thì Bình đã rất thạo việc kí kết các hợp đồng giao dịch với khách hàng; từng tham gia 4 hội nghị quốc tế về những vấn đề rất khoai như nghiên cứu hệ thống hội thoại truyền hình qua Internet để ứng dụng vào đào tạo từ xa, thu hẹp khoảng cách kĩ thuật số ở tiểu vùng sông Mêkông hay ứng dụng công nghệ GIS Mapserver trong việc dự đoán các tình huống thiên tai thảm hoạ...; từng gặp gỡ, nói chuyện với các VIP ở Liên hiệp quốc, ASEAN...
Thế nhưng, vì đang còn là SV nên sáng sáng, Bình giám đốc vẫn phải đến trường như bao SV bình thường khác. Chỉ có điều, như chính Bình tự thú nhận, những môn nào có thể tự học bằng tài liệu ở nhà, lại không điểm danh là cậu bùng luôn. Chuyện Bình bùng tiết nhiều bạn bè ai cũng biết, các thầy có khi cũng biết nhưng vì thành tích học tập của Bình không chê vào đâu được nên chưa thấy các thầy nói gì. Làm sao có thể chê trách một cậu SV thành tích đầy mình như Bình.
Giám đốc... xin tiền mẹ
Nếu như nhân vật Bình nói đến ở trên điều hành một công ty có giấy phép kinh doanh hẳn hoi thì Vũ Tuyết Nhung - SV K38D - ĐH Ngoại thương lại đang làm giám đốc một công ty vô danh hữu thực. Để hiểu rõ cái sự rắc rối này, trước hết hãy tìm hiểu nghề nghiệp của giám đốc Nhung. Dù đang là SV nǎm thứ 4 ĐHNT, chưa hề qua một lớp đào tạo nào về thiết kế thời trang nhưng Nhung lại là một nhà thiết kế trẻ có thương hiệu. Mọi việc bắt đầu từ khoảng một nǎm về trước, khi Nhung nổi hứng mở một triển lãm tranh tại trường và điều ngạc nhiên vượt quá sự mong đợi của Nhung là khá nhiều người hỏi mua tranh, trong đó có cả hoạ sĩ, kiến trúc sư. Sau sự kiện đó, Nhung bắt đầu đi vào con đường thiết kế thời trang, lúc đầu theo đơn đặt hàng của Câu lạc bộ Hành trang người mẫu HN, thiết kế những bộ sưu tập để trình diễn trên sân khấu. Dần dần, nhiều người tìm đến Nhung đặt thiết kế những bộ trang phục độc theo gu của riêng họ. Và chỉ 4 tháng trước đây, Nhung mới bắt đầu đi vào con đường kinh doanh. Tuy đang điều hành một xưởng may có không dưới chục người nhưng tất cả những khách hàng đến đặt hàng chỉ trực tiếp làm việc với giám đốc Nhung còn không hề biết gì về xưởng may của Nhung. Ngay cả Nhung cũng chỉ làm việc trực tiếp với 2 người thợ chính. Chính vì thế, Nhung gọi xưởng may của mình là một công ty ảo và cho rằng đây là xu hướng làm việc trong tương lai. Nhung cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển việc kinh doanh theo hướng ảo, nghĩa là bán hàng qua mạng (hiện Nhung đã có một địa chỉ website tại hotmayday.chuvanan.ifo.com).
* Sức trẻ của những giám đốc SV
Ngoài việc lo học, họ còn phải lo kinh doanh nữa nên tất nhiên rất bận rộn. Hãy xem một ngày làm việc của Bình giám đốc túi bụi những việc: sáng đến trường, nếu tranh thủ bùng tiết được thì lại phải đến vǎn phòng, hôm thì ngồi làm việc ở vǎn phòng cả ngày, hôm thì đi làm việc, kí hợp đồng chỗ này chỗ kia. Hôm nào cũng phải 8h tối mới mò về nhà, có khi còn mang việc về làm. Nhiều lúc Bình cũng thấy mình bận quá, có khi muốn đi chơi với hội bạn cũng phải từ chối, nhưng làm một thời gian thì thấy quen, lại còn thấy công việc của mình thú vị. Quĩ thời gian của Nhung cũng tương tự. Chuyện nghỉ tiết đi gặp gỡ khách hàng hay thức đến 1 - 2h sáng để thiết kế xảy ra như cơm bữa.
Nhưng do vẫn đang tuổi SV nên dù ở cương vị lãnh đạo, họ vẫn còn nét hồn nhiên, trong sáng của lứa tuổi. Dù tự nhận mình già dặn hơn các bạn cùng trang lứa và không hề cảm thấy khớp khi làm việc với những đối tác hơn mình cả về tuổi tác lẫn kinh nghiệm, nhưng ở công ty, khi làm việc cùng 8 người cộng sự đồng trang lứa với mình, Bình thấy vẫn không hề có sự khác biệt giữa giám đốc - nhân viên.
Bình bảo chuyện đi làm chỉ có ảnh hưởng với những ai không có kinh nghiệm. Ngược lại, nó đem lại rất nhiều lợi ích cho một SV như tạo cho SV đó nhiều mối quan hệ, nhiều kinh nghiệm làm việc và một nền tảng vững chắc để khi ra trường có thể làm việc được ngay với sức cạnh tranh cao. Nhung thì cho rằng cái được lớn nhất của cô là được làm công việc mình thích nên không hề cảm thấy thiệt thòi vì không có nhiều thời gian tập trung vào việc học như các bạn đồng trang lứa.
* * * Đọc xong bài viết này, sẽ có người thắc mắc: Vậy những nhân vật trong bài viết hoàn toàn không quan tâm đến chuyện kết quả học như thế nào ư? Tất nhiên là có, vì thế mặc dù hay bùng tiết nhưng họ không bao giờ cho phép mình nghỉ quá số tiết quá định, và điểm phẩy không bao giờ được tụt xuống dưới 7. Nhưng quan trọng, họ đã biết áp dụng chính những điều đã được học vào công việc kinh doanh của mình. Thậm chí chính nhờ những kinh nghiệm thu được trong quá trình làm việc, họ hiểu sâu sắc bài học hơn, bởi đó là những điều trong trường các thầy không dạy. Với kinh nghiệm của một người đi trước, giám đốc Bình khuyên những SV khác nên đi làm thêm ngay từ khi còn đi học, tự tìm cơ hội cho mình chứ không ngồi đợi cơ hội tự đến. Nhưng điều đáng quí ở những bạn trẻ rất nǎng động này là họ không lấy mục đích kinh doanh làm đầu, như Nhung tâm sự: Em làm việc rất hǎng nhưng luôn muốn tìm đến sự cân bằng giữa gia đình và công việc. Em muốn đạt đến điều mà mọi người gọi là hạnh phúc.
Theo GD&TĐ
|