Du học chuyển tiếp - nhộn nhịp vào "mùa"

 
Giảm đáng kể chi phí học tập là một lợi thế của hình thức du học chuyển tiếp. Chính vì vậy, đây là xu hướng được ưa chuộng của các sinh viên ở các nước ASEAN như Thái Lan, Singapore hay Malaysia... Tại Việt Nam, một số Viện và trường ĐH cũng đã nhộn nhịp vào cuộc với các chương trình du học này.

Chuyển tiếp cả Cao đẳng

Một trong những địa chỉ đầu tiên của du học chuyển tiếp tại Việt Nam là cơ sở II của Học viện công nghệ châu Á AIT đặt tại 21 Lê Thánh Tông Hà Nội. Sinh viên tốt nghiệp các ngành tin học, xây dựng, địa lý... có thể tìm thấy cơ hội du học chuyển tiếp tại đây. Một khoá học trọn gói gồm 3 học kỳ. Học kỳ đầu tiên, sinh viên học ở Việt Nam trong 6 tháng. Hai học kỳ sau học tại Thái Lan với học phí giai đoạn làm luận vǎn được miễn. Tỷ lệ sinh viên theo học chương trình chuyển tiếp này khoảng 21 người/nǎm.

Ở các trường ĐH, việc du học chuyển tiếp được thực hiện theo hình thức liên kết đào tạo giữa trường và một đối tác ở nước ngoài. ĐHQG TP.HCM đã vào cuộc từ năm 2000 và mỗi năm hiện có khoảng 100 sinh viên theo học. Các chương trình ký kết hợp tác đào tạo du học chuyển tiếp của trường gồm: đào tạo công nghệ thông tin  với ĐH Houston Clear Lake của Mỹ vào nǎm 2001;  với bang Oklahoma của Mỹ vào tháng 9/2002. Trường còn dự kiến trong năm tới, sẽ mở thêm hệ cao học ngành Quản lý hệ thống thông tin, hợp tác với ĐH Akasor (Mỹ). Ngoài Akasor, trường còn hợp tác đào tạo dạng này với một trường khác của Mỹ, bốn trường của Australia và một trường của Thái Lan.

Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng bắt đầu mở chương trình du học chuyển tiếp với dự kiến tuyển sinh 30 suất đào tạo thạc sĩ ngành công nghệ thông tin, hợp tác với ĐH Houston Clear Lake. Một kế hoạch dài hơi đào tạo thạc sĩ chuyển tiếp ngành Kinh tế và Công nghệ khác cũng đang được xúc tiến thực hiện.

Ngoài chương trình chuyển tiếp cao học, từ năm 2002, ĐH Bách khoa Hà Nội còn mở hình thức chuyển tiếp ĐH bằng cách liên kết với các trường: ĐH Hannover (CHLB Đức) - chuyên ngành cơ khí, kỹ thuật điện và điện tử, công nghệ thông tin, Vật lý kỹ thuật, Hoá kỹ thuật; ĐH Nagaoka (Nhật Bản) - chuyên ngành cơ khí và Công nghệ Vật liệu; ĐH Quốc gia Saint Peterbourg (Liên bang Nga) - chuyên ngành Công nghệ thông tin, Viễn thông, tự động hoá và ĐH Bách Khoa Tomsk (Liên bang Nga) - chuyên ngành Công nghệ hoá học và dầu khí.

Năm đầu tiên, chương trình tuyển 120 sinh viên. Trong năm học 2003 - 2004 tới, chương trình dự kiến tuyển 500 chỉ tiêu. Khác với một số chương trình đào tạo liên kết đào tạo giáo trình nước ngoài, học trong nước, chương trình này có đầu vào khá cao, điểm trúng tuyển là 21, tương đương điểm vào trường ĐH Bách khoa trong kỳ thi quốc gia. Sinh viên học 2 năm theo chương trình chung của ĐH Bách khoa và thêm những môn bổ sung của từng trường liên kết trong 800 tiết, tương đương với 1 học kỳ, sau đó tham dự một kỳ thi để chuyển tiếp sang các trường đối tác.

Ông Trần Quang Khải, chuyên viên phòng Quan hệ quốc tế của trường cho biết thêm: Sắp tới, trường còn mở việc du học chuyển tiếp hệ CĐ với chuyên ngành kỹ thuật viên bảo dưỡng công nghiệp. Thực chất của chương trình này là phía Pháp đầu tư cơ sở vật chất, trường tuyển sinh, dạy chủ yếu tại Việt Nam và sau đó, gửi sang Pháp để thực tập ngắn hạn.

Hai lợi thế của du học chuyển tiếp

Lợi thế lớn nhất của các chương trình du học chuyển tiếp là giảm một số đáng kể chi phí học tập cho SV Việt Nam. Để có thể thực hiện du học toàn phần ở Viện công nghệ châu Á AIT tại Thái Lan, một khoá học 18 tháng, học viên phải chi phí tổng cộng là 25.000USD - gồm học phí: 19.980 USD, tiền ǎn ở là 5.000 USD. Trong khi đó, học theo hình thức chuyển tiếp, chi phí cả khoá học vào khoảng 13.000 USD. Cụ thể,  chi phí 6 tháng học ở Việt Nam là 3.500 USD, 12 tháng học ở Thái Lan là 9.500 USD.

Với chương trình du học chuyển tiếp, học viên có thể tiết kiệm được ít nhất 1/3 chi phí so với du học toàn phần từ đầu tại Mỹ. Chẳng hạn, chương trình học ký kết với ĐH Houston Clear Lake, học phí trong thời gian học tại Việt Nam là 3.000 USD, trong khi hai nǎm học tiếp theo tại Mỹ, sinh viên phải trả 20.000 USD. Ngoài ra, trong thời gian học tại Việt Nam, SV gần như không tốn mức sinh hoạt phí gần bằng 20.000 USD nếu sống tại Mỹ.

Một hấp dẫn khác của hình thức du học này là bằng tốt nghiệp sẽ do các trường nước ngoài cấp. Đây sẽ là hành trang đáng kể của sinh viên khi về nước để tìm một công việc như ý. Ngoài ra, một số trường ĐH còn có chương trình đón nhận sinh viên theo học chương trình hơp tác này về làm cán bộ giảng dạy của trường.

3.000 USD có bằng 20.000 USD?

Các chương trình đào tạo du học chuyển tiếp đều quảng bá giảng viên đều có trình độ quốc tế, tuyển chọn theo tiêu chuẩn của các trường ĐH đối tác. Trong thời gian học, sẽ có giáo viên của trường đó sang dạy. Thực tế, phần lớn đội ngũ giảng viên đều là người trường sở tại dạy theo giáo trình được chuyển giao từ phía đối tác.

Để thu hút học viên, một số chương trình có chương trình học bổng. Thế nhưng, đạt được các suất học bổng này không hề đơn giản, thường chỉ là những người được nhận làm trợ lý cho giáo sư khi sang học ở trường ĐH đó.

Ngoài ra, không phải việc cứ học theo chương trình là sẽ được chuyển tiếp hoàn toàn sang trường ĐH giai đoạn sau. Chẳng hạn, theo học chương trình liên kết với Houston Clear Lake, sau khi học xong một năm tại ĐH Bách khoa, khi xin visa tại Đại sứ quán Hoa Kỳ phải có 16.500 USD/năm họ và thoả mãn các điều kiện khác: sinh viên được chấp nhận theo học không điều kiện bởi một trường ĐH hay CĐ đã được công nhận, đủ điểm TOEFL, GRE/GMAT.

Còn với chương trình đào tạo ĐH chuyển tiếp mà trường Bách khoa đang thực hiện, sẽ có khoảng 30-40% số học sinh được chuyển tiếp sang đó. Sau khi học xong chương trình 2 năm, sinh viên phải thi ngoại ngữ để chuyển tiếp sang trường đối tác. Số sinh viên còn lại sẽ tiếp tục theo học tại Việt Nam.

Tham gia du học toàn phần, ngay từ đầu, sinh viên được hoà mình vào không khí quốc tế: Nói tiếng Anh, cùng ǎn cùng học, cùng ở với nhiều SV đến từ nhiều nước khác nhau. Du học chuyển tiếp không có được lợi thế này. Vì vậy, để bắt kịp với giai đoạn II học ở nước ngoài, sinh viên du học bán toàn phần phải trang bị vốn ngoại ngữ lưu loát, khả nǎng ứng xử nhạy bén để nhập cuộc.

(VietNamNet)


Các tin khác
 Cơ hội du học Nhật Bản tại trường Ngôn ngữ TOPA  (05/07/03)
 Trao học bổng LG - Chắp cánh những ước mơ  (04/07/03)
 Du học tại New Zealand  (30/06/03)
 Cơ hội học bổng trường ĐH Queensland (Úc)  (16/06/03)
 Du học Úc-những điều cần biết: Việc làm và phương tiện đi lại  (16/06/03)
 Du học chuyển tiếp - nhộn nhịp vào "mùa"  (13/06/03)
 40 suất du học bằng ngân sách Nhà nước năm 2003  (13/06/03)
 Du học Nhật Bản  (13/06/03)
 Học bổng của Tổ chức Giáo dục EF  (13/06/03)
 Tìm học bổng du học trên Web  (12/06/03)
1 2 3 4 5
Sản phẩm được hợp tác giữa VASC & TMC, liên hệ: e-School Webmaster.
99 Trieu Viet Vuong - 59 Thai Ha, Hanoi, Vietnam. Tel: 84-4-9782235, Fax: 84-4-9780636