Trong đề bài môn văn tạm chia ra hai dạng lớn: một là kiểm tra kiến thức đã học trong tác phẩm, nêu hoàn cảnh ra đởi của tác phẩm....; hai là loại bài yêu cầu phân tích, bình giảng... mặc dù yêu cầu của đề bài có thể thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau.
Ðối với loại bài kiểm tra kiến thức, thí sinh (TS) nên lưu ý viết đúng, viết đủ ý theo sách giáo khoa, bài phân tích, bình giảng tác phẩm, đoạn trích hay một chi tiết trong tác phẩm, TS cần chú ý: một bài làm tốt không chỉ đòi hỏi nắm được kiến thức, nhớ được nội dung tác phẩm mà còn phải có sự biểu cảm. Ðề thi thường chú ý đến những yêu cầu cụ thể về một khía cạnh, chi tiết, đoạn trích.... của tác phẩm. Khi học ôn cần lưu ý học một cách cụ thể, chú ý đến từng khổ thơ, đoạn văn, tập cách phân tích khi nằm trong tổng thể chung của tác phẩm cũng như tách rời ra như đề bài thường yêu cầu chỉ phân tích, bình giảng một đoạn. Học một tác phẩm không chỉ là nắm được đại ý mà phải ghi nhớ những từ, những chi tiết, thậm chí cả những dấu câu đắt giá, nắm được cụ thể những chi tiết, hình ảnh tạo nên giá trị tư tưởng nghệ thuật cho từng câu, từng đoạn. Nên lưu ý khi đề bài chỉ yêu cầu phân tích một đoạn văn hay một khổ thơ trong một tác phẩm thì trước khi đi vào phân tích cần giới thiệu về tác phẩm, tác giả một cách ngắn gọn vì phần này bao giờ cũng có điểm trong đáp án.
Một điểm TS thường lẫn lộn khi làm bài là không xác định được mình viết bài theo kiểu phân tích hay bình giảng theo đúng yêu cầu của đề. Bình giảng là phải chỉ ra được vẻ đẹp hài hòa giữa giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật, phân tích được ý nghĩa của ngôn từ và thể hiện được cảm xúc của mình. Kiểu bài phân tích thì tách bạch giữa giá trị nội dung và nghệ thuật hơn, phân tích hình thức (ngôn từ, cú pháp....) để chỉ ra thành công nghệ thuật của nội dung. Phân tích hay thì mới đạt đến yêu cầu bình giảng. Nhưng nếu bình giảng mà mới chỉ đạt đến mức độ phân tích thì bài làm chưa đạt.
Nhìn chung, đáp án chấm có xu hướng không đề cao lối văn chương hoa mỹ, bóng bẩy, lạm dụng tính từ nhưng nội dung lại không sát thực với vấn đề. Tuy nhiên TS thi khối D cũng cần lưu ý một nhược điểm khá phổ biến là các em thường mải mê tìm từ đúng, diễn đạt chính xác những bài viết khô khan, thiếu cảm xúc, nói nôm na là văn không hay. Các em nên đọc thêm những bài phê bình văn học, bài phân tích, bình giảng đặc sắc để làm giàu thêm vốn từ, nhất là những từ có khả năng khơi gợi suy nghĩ và xúc cảm.
(Ðinh Văn Thiện PCN khoa Văn ÐHSP HN-TT)
|