Ðối với loại bài kiểm tra kiến thức, thí sinh (TS) nên lưu ý viết đúng, viết đủ ý theo sách giáo khoa, bài phân tích, bình giảng tác phẩm, đoạn trích hay một chi tiết trong tác phẩm, TS cần chú ý: một bài làm tốt không chỉ đòi hỏi nắm được kiến thức, nhớ được nội dung tác phẩm mà còn phải có sự biểu cảm. Ðề thi thường chú ý đến những yêu cầu cụ thể về một khía cạnh, chi tiết, đoạn trích.... của tác phẩm. Khi học ôn cần lưu ý học một cách cụ thể, chú ý đến từng khổ thơ, đoạn văn, tập cách phân tích khi nằm trong tổng thể chung của tác phẩm cũng như tách rời ra như đề bài thường yêu cầu chỉ phân tích, bình giảng một đoạn. Học một tác phẩm không chỉ là nắm được đại ý mà phải ghi nhớ những từ, những chi tiết, thậm chí cả những dấu câu đắt giá, nắm được cụ thể những chi tiết, hình ảnh tạo nên giá trị tư tưởng nghệ thuật cho từng câu, từng đoạn. Nên lưu ý khi đề bài chỉ yêu cầu phân tích một đoạn văn hay một khổ thơ trong một tác phẩm thì trước khi đi vào phân tích cần giới thiệu về tác phẩm, tác giả một cách ngắn gọn vì phần này bao giờ cũng có điểm trong đáp án.
Một điểm TS thường lẫn lộn khi làm bài là không xác định được mình viết bài theo kiểu phân tích hay bình giảng theo đúng yêu cầu của đề. Bình giảng là phải chỉ ra được vẻ đẹp hài hòa giữa giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật, phân tích được ý nghĩa của ngôn từ và thể hiện được cảm xúc của mình. Kiểu bài phân tích thì tách bạch giữa giá trị nội dung và nghệ thuật hơn, phân tích hình thức (ngôn từ, cú pháp....) để chỉ ra thành công nghệ thuật của nội dung. Phân tích hay thì mới đạt đến yêu cầu bình giảng. Nhưng nếu bình giảng mà mới chỉ đạt đến mức độ phân tích thì bài làm chưa đạt.
Nhìn chung, đáp án chấm có xu hướng không đề cao lối văn chương hoa mỹ, bóng bẩy, lạm dụng tính từ nhưng nội dung lại không sát thực với vấn đề. Tuy nhiên TS thi khối D cũng cần lưu ý một nhược điểm khá phổ biến là các em thường mải mê tìm từ đúng, diễn đạt chính xác những bài viết khô khan, thiếu cảm xúc, nói nôm na là văn không hay. Các em nên đọc thêm những bài phê bình văn học, bài phân tích, bình giảng đặc sắc để làm giàu thêm vốn từ, nhất là những từ có khả năng khơi gợi suy nghĩ và xúc cảm. (13-03-2003) (Ðinh Văn Thiện PCN khoa Văn ÐHSP HN-TT)
Thay đổi cách thi?
Lâu nay ở nhà trường phổ thông học thế nào-thi thế ấy, nghĩa là số đông HS học tủ, học vẹt thì ra đề thi phải phù hợp với cách học ấy. Bây giờ cần thay đổi lại, thi thế nào-học thế ấy. Lấy việc thi điều chỉnh cách dạy, cách học. Ðề thi không cho HS có thể học tủ, học vẹt mà coi trọng yêu cầu HS phải vận dụng kiến thức một cách thông minh, sáng tạo. Thay đổi cách thi như thế, lúc đầu có thể đón nhận một kết quả làm ta phải rùng mình, khủng khiếp. Nhưng đó là sự thật cần được làm sáng rõ để tìm biện pháp cứu chữa. Không thể bằng lòng mãi với cái kết quả kỳ thi quá cao để che giấu cái chất lượng quá thấp. Lâu nay ngành giáo dục, qua kỳ thi tốt nghiệp, đã tự dối mình và dối dư luận xã hội quá nhiều rồi. Ðã đến lúc phải lấy thực chất làm trọng, xóa bỏ tận gốc bệnh thành tích thâm căn cố đế, thể hiện trong việc thay đổi cách thi. Có thay đổi cách thi mới buộc thầy giáo phải thay đổi cách dạy, HS phải thay đổi cách học, từ đó chất lượng giáo dục mới được nâng cao.
Một vấn đề được đặt ra là khi thay đổi cách thi, những năm đầu sẽ có số HS trượt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Làm thế nào để giải quyết được nạn dồn toa, kẹt lối vào của HS lớp đầu cấp?
Giải quyết vấn đề này không khó. Chỉ cần thay đổi một chút trong qui chế nhà trường phổ thông: HS thi trượt tốt nghiệp không được học lại lớp 12 để có chỗ cho HS lớp 11 lên lớp và có chỗ cho tuyển sinh vào lớp 10. HS tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu đỗ được cấp bằng tú tài, không đỗ được cấp chứng chỉ đã học hết lớp 12. Chứng chỉ này có thể được sử dụng để xét tuyển hoặc dự thi vào các trường đào tạo công nhân kỹ thuật, dạy nghề. Nếu HS nào vẫn muốn có bằng tú tài để dự thi ÐH-CÐ thì ở nhà tự học, năm sau dự thi tốt nghiệp THPT lại với tư cách thí sinh tự do.
Chắc chắn sự thay đổi cách thi như thế sẽ gây đau đớn cho không ít trường, không ít giáo viên và HS. Nhưng cũng giống như một cơ thể có trọng bệnh, nếu không chịu thuốc đắng thì làm sao có thể dã tật được?
(nguyên chuyên viên cao cấp vụ THPT Viện KHGD-Bộ GD-ÐT Nguyễn Gia Phong-TT)
|