Kinh nghiệm chọn ngành dự thi
Với hàng trăm ngành nghề đang đào tạo tại các trường ĐH, CĐ và THCN, thí sinh làm sao có thể chọn chính xác cho mình một ngành nghề dự thi và khi ra trường có thể thực hành được ngành nghề đó trong cuộc sống? Có lẽ đó là nỗi băn khoăn của không ít thí sinh đang đứng trước ngưỡng cửa vào ĐH,CĐ và THCN 2002 này...
Ba yếu tố hàng đầu giúp thí sinh chọn đúng ngành dự thi
- Sở thích và năng khiếu
Để chọn cho mình một ngành nghề dự thi và theo học, điều trước tiên thí sinh cần xác định sở thích và năng khiếu của mình phù hợp với những ngành nghề nào. Đây là yếu tố quyết định giúp sinh viên sau khi trúng tuyển có thể theo học cũng như để thực hành được nghề nghiệp đó trong cuộc sống tương lai. Kinh nghiệm những người thành đạt trong mỗi nghề nghiệp cho thấy từ lâu họ đã nhen nhóm mơ ước, đam mê theo đuổi một ngành nghề nào đó, có thể họ sớm nhận ra tính chất đặc thù của mỗi nghề nghiệp, cả những vinh quang và cay đắng của bản thân nghề nghiệp đem đến. Một thí sinh có chất giọng phát âm không lấy gì làm truyền cảm nếu theo học ngành phát thanh viên chắc sẽ không mấy thành công. Một thí sinh tư chất không năng động, nhạy bén cũng không nên theo học khối ngành kinh tế.
Ở những nước tiên tiến trên thế giới, trong mỗi trường trung học có cả một bộ phận chuyên đảm trách công việc trắc nghiệm, tư vấn tâm lí lứa tuổi và hướng nghiệp cho thí sinh. Sau khi trắc nghiệm thí sinh, người ta đưa ra khối ngành nghề thích hợp cho thí sinh đó và lời khuyến cáo nên theo học để có thể thành công. Trong điều kiện nước ta hiện nay, công tác này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác sự thờ ơ của không ít bậc phụ huynh cũng dẫn đến hệ quả một bộ phận thí sinh “sai lầm lớn” trong việc chọn ngành theo học.
Theo một điều tra xã hội học trong năm 2001 cho thấy: có trên 60% số thí sinh chọn ngành (hoặc trường) ĐKDT là theo bạn bè rủ rê và chịu tác động chủ quan của các bậc cha mẹ, người thân của thí sinh (trong số này có đến 80% chọn ngành dự thi theo xu hướng “thời thượng”) chỉ có trên 20% số thí sinh đã chọn ngành dự thi theo đúng sở thích và nguyện vọng của mình. Thực trạng này tất dẫn đến những hệ quả: hàng năm có nhiều sinh viên mặc dù đang theo học ở một ngành nghề nào đó nhưng vẫn mơ ước dự thi lại ĐH hoặc có nguyện vọng chuyển sang học lại một ngành nghề khác. Trong số hàng nghìn sinh viên của các trường ĐH Kinh tế TP HCM, ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM), ĐH dân lập Văn Lang...bị buộc thôi học trong 2 năm 2000-2001 vừa qua do không hoàn thành chương trình theo đúng tiến độ quy định, có không ít sinh viên đã cho biết lí do là mình theo học không nổi và có tâm lí chán nản hoặc “không thích lắm ngành đang học”.
Tiến sĩ tâm lí giáo dục học J. Hiley người Mỹ thường đưa ra những câu dò xét và để học sinh tự trả lời như: Bạn biết ngành nghề (bạn dự định theo học) đòi hỏi những khả năng về thể chất và ý chí của con người như thế nào? Bạn có thích công việc phải làm hàng ngày hoặc cả đời bạn như thế này.. (tính chất công việc), và mức thu nhập như thế này..( cao, thấp) cho cuộc sống của bạn trong tương lai?...
- Kiến thức dự thi
Trong điều kiện số lượng thí sinh ĐKDT mỗi năm vào ĐH trong cả nước tăng mạnh (tăng từ 15-20%), trong khi chỉ tiêu tuyển lại có hạn (chỉ tăng cố định 5%) so với năm trước, tính “cạnh tranh gay gắt” thể hiện qua tỉ lệ “chọi” (tỉ lệ giữa số thí sinh đăng kí dự thi hoặc dự thi/chỉ tiêu tuyển) tất yếu phải đặt ra cho mỗi thí sinh. Năm 2001 cả nước có khoảng 1,6 triệu thí sinh thực tế dự thi vào ĐH, CĐ/160 nghìn chỉ tiêu tuyển, nghĩa là có 90% thí sinh còn lại chấp nhận “thua cuộc” và ra đi tìm kiếm cơ hội khác.
Đến bây giờ, khi nhắc lại mùa tuyển sinh năm 2001, các cán bộ coi thi tại một điểm thi vào trường ĐH Sư phạm kĩ thuật TP HCM có lẽ chưa quên trường hợp một nữ thí sinh cuối giờ thi đã để lại trong học bàn một bức thư với lời lẽ gần như .. tuyệt mệnh và mong ước trở thành..hạt cát nhỏ. Nguyên nhân chính, theo các cán bộ coi thi thí sinh này cảm thấy mình thất vọng, xấu hổ và có lỗi với gia đình do không làm được bài thi . Điều này cho thấy khả năng kiến thức dự thi của thí sinh quyết định sự thành công hay thất bại trong việc chọn nghành dự thi.
Do vậy, các bạn thí sinh cần nắm rõ hơn về số lượng thí sinh đăng kí dự thi , tỉ lệ “chọi”, điểm chuẩn, cả mức độ nội dung kiến thức khối thi, đề thi.. của những năm trước và so sánh mối tương quan giữa các số liệu đó với trình độ kiến thức dự thi của chính mình
- Nhu cầu nhân lực
Qua các dịch vụ giới thiệu việc làm đăng tải hàng ngày trên báo chí, không ít sinh viên có hai, ba bằng tốt nghiệp đại học vẫn chưa tìm được việc làm, những sinh viên tốt nghiệp ĐH 3, 4 năm trời vẫn đang ngồi chờ cơ hội. Chưa kể đến trong một thị trường lao động luôn biến động theo điều kiện phát triển kinh tế xã hội công nghiệp hoá thì bên cạnh khả năng thất nghiệp người lao động còn phải chịu đững công việc trái với ngành nghề đã được đào tạo trong điều kiện mức thu nhập không thoả đáng .
Trong một hội thảo khoa học gần đây, một cán bộ của Viện Nghiên cứu chiến lược( Bộ kế hoạch và đầu tư) đã đưa ra nhận định: Trong vài năm trở lại đây, tỉ lệ sinh viên ra trường chưa có việc làm chiếm tới 60% trong số tìm được việc làm thì có trên 30% làm việc trái với chuyên ngành đào tạo. Cũng theo một điều tra lao động-việc làm năm 2000, tỉ lệ đội ngũ lao động thất nghiệp có trình độ cao đẳng đại học trên cả nước không thay đổi so với 5 năm về trước. Số liệu còn cho thấy, tuỳ thuộc vào từng vùng, miền với điều kiện phát triển kinh tế xã hội càng cao thì tỉ lệ thất nghiệp càng thấp.
Như vậy, song song với định hướng theo học những ngành nghề đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước (thể hiện qua chủ trương tăng chỉ tiêu tuyển các ngành nghề hàng năm của Bộ Giáo Dục-Đào Tạo), thí sinh còn phải xem xét trong điều kiện cụ thể, nhu cầu phát triển và sử dụng nhân lực của địa phương-nơi mình sinh sống và muốn lập nghiệp trong tương lai..
Theo báo Tuổi trẻ TP HCM
|