Cơ cấu của đề thi tuyển sinh môn lịch sử thuờng có 70% câu hỏi yêu cầu thí sinh phải thuộc bài và 30% câu hỏi yêu cầu thí sinh phải hiểu bài. 30% này có thể gọi là những câu hỏi kiểm tra sự thông minh của thí sinh. Vì thế, khi học môn lịch sử, học sinh phải vừa thuộc bài vừa hiểu bài.
Khi học bài, điều đầu tiên các em phải nắm vững được là “tư tưởng cơ bản” của một chương hay một giai đoạn, thời kỳ. Tư tưởng cơ bản được coi như “chìa khoá” mở những phần kiến thức khác. Ví dụ giai đoạn lịch sử 1919 – 1930, có thể mỗi cuốn sách có cách trình bày bằng nhiều bài học khác nhau, nhưng học sinh phải hiểu được tư tưởng cơ bản của giai đoạn này là Đảng cộng sản VN ra đời trên cơ sở hợp nhất ba yếu tố: chủ nghĩa Mác – Lênin, phong trào yêu nước và phong trào công nhân VN. Các mảng kiến thức ấy được gắn lại với nhau theo một logic ở các bài học. Sau khi đã nắm được tư tưởng cơ bản rồi thì hãy thu nạp kiến thức theo “xương sườn”: mỗi chương, mỗi bài có bao nhiêu ý chính. Tiếp theo đó sẽ học đến phần “thịt da”: mỗi ý chính ấy có những chi tiết cụ thể nào.
Nói nôm na là học phần tổng quát trước, sau đó mới tới từng chi tiết. Khi làm bài thi, nếu nói đúng được phần “xương sườn” coi như thí sinh đã chiếm được 50-70% số điểm rồi, số điểm còn lại phụ thuộc vào phần “thịt da” nhiều ít khác nhau.
Trong đề thi tuyển sinh, tôi thấy rằng những câu hỏi thông minh thường được ra trong giai đoạn 1919 – 1975 phần lịch sử Việt Nam, còn những câu hỏi ở phần lịch sử thế giới thường ít mang tính chất suy luận hơn. Và điều làm cho các thí sinh đau đầu là địa chỉ của câu hỏi (mà tôi gọi là “bí danh”). Bí danh chính là sự xác định đề bài yêu cầu cái gì, phần kiến thức nào trong bài học sẽ trả lời đúng câu hỏi. Thật ra cũng là phần kiến thức đó nhưng người ra đề dùng nhiều cách hỏi khác nhau nên khó xác định. Ví dụ thay vì hỏi “Ý nghĩa của cao trào 1930 - 1931” thì câu hỏi “Tại sao nói cao trào 1930 – 1931 là cuộc tổng diễn tập đầu tiên cho Cách mạng Tháng Tám thắng lợi?” sẽ làm các thí sinh phải suy nghĩ để tìm “bí danh”. Để tìm ra đúng địa chỉ thì không còn cách nào khác hơn học sinh phải học có sự suy luận và đọc thật nhiều. Tôi cũng lưu ý các thí sinh không được học tủ, vì đề thi hỏi dàn đều các phần kiến thức của chương trình chứ không tập trung vào một phần nào.
Môn Hoá (khối B): không được coi nhẹ lý thuyết
Phần lý thuyết, cả hai phần hoá vô cơ và hữu cơ, đều tập trung vào chương trình lớp 12 nhưng để làm được bài đòi hỏi HS phải nắm vững toàn bộ nội dung chương trình THPT, đặc biệt là lớp 11. Các bài toán vô cơ đều đòi hỏi thí sinh không chỉ nắm được kiến thức liên quan đến tính chất của các chất (nhôm, sắt...) mà còn phải có kỹ năng tính toán theo phương trình cũng như nắm được phương pháp bảo toàn electron, bảo toàn vật chất và kỹ năng cơ bản trong việc giải các bài toán hoá học. Các bài toán hữu cơ đề cập cùng lúc đến nhiều vấn đề: este đơn chức, đa chức, rượu đơn chức, đa chức, axit đơn chức, đa chức... đòi hỏi thí sinh biết vận dụng các định luật để biện luận vào từng trường hợp.
Đề bài không khó nhưng tại sao cả những học sinh khá giỏi cũng không đạt được điểm cao? Những lỗi chúng tôi thường gặp trong quá trình chấm thi là có nhiều em thuộc loại học môn hoá giỏi nhưng lại thường mất điểm ở phần lý thuyết. Các em làm lý thuyết sơ sài để nhanh chuyển sang phần bài tập. Nên nhớ các em có thể hiểu vấn đề, người chấm cũng hiểu nhưng phải trình bày một cách đầy đủ, điểm cho theo từng ý, thiếu ý nào mất điểm phần đó. Tỷ trọng điểm lý thuyết trong bài thi hoá tương đương với phần bài tập.
Bài thi ĐH môn hoá khối B đòi hỏi thí sinh không chỉ nắm được kiến thức mà còn phải có kỹ năng, nhất là kỹ năng thiết lập các hệ phương trình, rèn được thói quen làm bài chi tiết, cẩn thận. Trong quá trình ôn thi thí sinh phải nắm vững lý thuyết, các định luật, phương trình tiêu biểu. Nhưng đừng học theo kiểu lý thuyết suông mà phải gắn các phản ứng hoá học tiêu biểu với các hiện tượng hoá học, hiện tượng trong đời sống (như hiện tượng tôi vôi chẳng hạn) để nhớ lâu và dễ vận dụng.
Kinh nghiệm quan trọng nhất, theo tôi, là các em cần học ôn theo sát sách giáo khoa, tránh học lan man, kết hợp chặt chẽ lý thuyết và thực hành. Nếu không thuộc sách giáo khoa, thuộc lý thuyết thì không thể làm được bài thi vì yêu cầu tính toán cụ thể không nhiều, chủ yếu là vận dụng lý thuyết để làm bài tập. Dành nhiều thời gian ôn luyện cách vận dụng.
|