Học sinh có thể sử dụng kỹ năng đoán từ nhưng đoán chỉ đúng nếu hiểu ngữ cảnh của từ. Khi làm bài nếu vướng ở ô trống điền từ nào, kể cả ô mở đầu cho một đoạn văn cũng không nên loay hoay ở đó quá lâu, cần chuyển ngay sang câu kế tiếp vì mỗi câu cho điểm riêng. Đến cuối cùng, khi đã giải quyết xong các từ khác, thí sinh có thể suy luận ra từ đầu tiên.
Trường hợp là dạng chọn một từ thích hợp trong số nhiều phương án cho sẵn, nếu thí sinh chưa thể xác định ngay được thì có thể dùng “mẹo” nhỏ là làm động tác loại bỏ dần. Bao giờ cũng có hai từ sai, một từ gần đúng và một từ đúng, dễ nhầm lẫn nhất là ở hai từ này. Nếu cuối cùng vẫn chưa thể xác định được bằng vốn từ vựng của mình, thí sinh cũng không nên “lãng phí” bỏ trống câu trả lời, phút chót vẫn nên chọn một phương án điền vào.
Dạng bài viết lại câu (bài 6 đề năm 2002), thí sinh giỏi lại hay mất điểm vì hay viết một cách sáng tạo, có thể hay hơn nhiều so với đáp án yêu cầu. Nhưng nếu là thi dịch thì có lợi chứ thi viết ĐH (chấm theo barem) thì không nên. Nên viết câu theo hình thức phổ biến, thông dụng nhất, sát với chương trình phổ thông được học cũng là sát với đáp án.
Dạng bài kiểm tra ngữ âm (trong các từ cho, chọn từ có cách phát âm khác – bài 2 đề 2002), thí sinh cần lưu ý giữa các từ có phần viết giống nhau nhưng có một từ đọc khác. Vì vậy trước hết thí sinh phải nắm được cách phát âm chính xác. Đồng thời còn phải nắm được các quy luật về đọc số ít, số nhiều, đuôi quá khứ của động từ có quy tắc vì có rất nhiều trường hợp viết giống nhau nhưng phát âm khác hoặc ngược lại. Để làm được dạng bài này, thí sinh phải luyện đọc phát âm nhiều, chịu khó xem và ghi nhớ cách phiên âm chuẩn trong từ điển.
Kinh nghiệm ôn luyện rất hiệu quả là đối với thí sinh có điều kiện nên tham khảo các mẫu kiểm tra trong các cuốn Cambridge, luyện thi TOEFL hoặc IELTS. Còn với những thí sinh tự học là chủ yếu, không có điều kiện luyện thi, công cụ hữu hiệu nhất là từ điển, nên xem kỹ từng từ, nhất là đối với các động từ và tính từ để nắm được nhiều ngữ cảnh, quy luật...như trường hợp nào thì dùng giới từ nào, các dạng “đuôi” thì quá khứ...
Đối với môn tiếng Anh và ngoại ngữ nói chung, bài thi tiếng Anh chủ yếu kiểm tra kỹ năng và kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, suy nghĩ logic, vì vậy cần theo chuẩn chung của sách giáo khoa phổ thông, không nên quá lạm dụng cái mới. Nhất là những cách nói hiện đại mang tính “khẩu ngữ” vốn rất được đánh giá cao khi học nghe nói nhưng làm bài viết lại dễ mất điểm. Trong số các dạng bài của đề thi, bài nào là điểm mạnh thì làm trước. Làm xong phải kiểm tra kỹ cách viết từng từ, nhất là đối với dạng word form (dạng bài 3 trong đề thi năm 2002)
|