Kinh nghiệm của đề thi năm trước cho thấy: đề thi không có câu hỏi nào cần sử dụng thủ thuật đề giải, dạng toán gần như chân phương. Có lẽ vì thế mà nhiều người nhận xét đề không khó. Thế nhưng điều kỳ lạ là đề thi không có câu hỏi lắt léo nhưng lại trở lên nặng nề với học sinh, nhiều em đã phải cắn bút vì “đề thi không khó” này.
Xem xét kỹ có thể thấy ngay đề toán năm 2002 ra theo diện rộng chứ không theo diện sâu như những năm trước. Mà học sinh ở ta từ tiểu học đến THPT đều đã quen học có “định hướng”. Quá trình giáo dục các em, từ các kỳ kiểm tra học kỳ đến thi tốt nghiệp cuối cấp đều có tài liệu ôn thi, thi đại học thì có bộ đề, đến lớp thì được giáo viên hướng dẫn phần này là trọng tâm, phần kia là quan trọng, cứ thế mà học. Nay đề thi ra theo diện rộng đã phá tan cách học có “định hướng” ấy, học sinh phải biết nắm bao quát kiến thức môn học cũng như thay đổi phương pháp học: học để hiểu, học có suy nghĩ chứ không phải học tủ, học vẹt.
Năm rồi đề thi có 10 câu khá dài và còn đòi hỏi phải tính toán nhiều và nhanh, nếu không sẽ không kịp thời gian. Bởi vậy, học sinh tự trang bị cho mình kỹ năng tính toán nhanh nhạy bằng cách đầu tư nhiều cho phần luyện tập. Ở mỗi chương, sau khi đã nắm vững lý thuyết, giải hết tất cả bài tập trong sách giáo khoa, học sinh phải biết hệ thống hoá những kiến thức quan trọng. Sau đó thì phân loại: mỗi chương ấy có bao nhiêu dạng toán, mỗi dạng toán có bao nhiêu cách giải, cách giải nào nhanh nhất...
|